Chất lượng đào tạo của các trường Đại học (ĐH) ở Việt nam luôn là vấn đề được xã hội và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Hiện nay, công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) chương trình đào tạo (CTĐT) là một trong những hoạt động trọng tâm của các cơ sở giáo dục (CSGD). Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vẫn luôn tôn chỉ với mục tiêu chất lượng, lấy việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Năm 2023, trường đã tiến hành tự đánh giá (TĐG) và đăng ký đánh giá ngoài 07 CTĐT (CTĐT), trong đó có CTĐT ngành Khoa học Môi trường (KHMT). Việc TĐG CTĐT ngành KHMT được thực hiện theo Kế hoạch số 1096/KH-ĐHCT ngày 07/06/2021 về kiểm định chất lượng CTĐT các trình độ của giáo dục đại học trường ĐHCT giai đoạn 2021-2023, Công văn số 51/QLCL ngày 07/10/2022 về trình phê duyệt danh sách CTĐT thực hiện kiểm định giai đoạn 2023-2024, Biên bản số 427/BB-ĐHCT-QLCL ngày 07/02/2023 và Kế hoạch số 1123/KH-ĐHCT-QLCL về tổ chức thực hiện TĐG chất lượng giáo dục CTĐT theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) năm 2023.

Báo cáo TĐG cung cấp các thông tin cần thiết cho hoạt động đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng theo “Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của giáo dục đại học” ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cấu trúc của báo cáo TĐG CTĐT ngành KHMT bao gồm 4 phần:

- Phần I. Khái quát: Tóm tắt báo cáo; Mô tả ngắn gọn mục đích, quy trình TĐG CTĐT, phương pháp và công cụ đánh giá để cung cấp thông tin về bối cảnh của hoạt động TĐG nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn nội dung của bản báo cáo TĐG; Mô tả sự tham gia của các bên liên quan (BLQ) bao gồm khoa, phòng, ban, cán bộ quản lý, giảng viên (GV), nhân viên (NV), người học (NH)... cũng như cách thức tổ chức của các BLQ khi tham gia hoạt động TĐG. Ngoài ra, phần khái quát còn cung cấp thêm các thông tin tổng quan về trường ĐHCT, Khoa MT&TNTN và Bộ môn (BM) KHMT.  

- Phần II. Tự đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí bao gồm 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí dựa theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 của Bộ GD&ĐT. Nội dung của các tiêu chí cụ thể như sau: 1) Mục tiêu và chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT; (2) Bản mô tả CTĐT; (3) Cấu trúc và nội dung cấu trúc dạy học (CTDH); (4) Phương pháp tiếp cận trong dạy và học; (5) Đánh giá kết quả học tập của người học, (6) Đội ngũ giảng viên; (7) Đội ngũ nhân viên; (8) Người học và hoạt động hỗ trợ người học; (9) Cơ sở vật chất và trang thiết bị; (10) Nâng cao chất lượng, (11) Kết quả đầu ra. Trong mỗi tiêu chuẩn, báo cáo đều (i) mô tả hiện trạng, nhận định đầy đủ, trung thực và khách quan về hoạt động của CTĐT; Phân tích (ii) điểm mạnh(iii) điểm tồn tại của CTĐT trong việc đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí. Từ đó, đề xuất (iv) kế hoạch hành động để phát huy những thế mạnh và hạn chế khuyết điểm trong CTĐT. Qua mỗi tiêu chí, BM sẽ (v) tự đánh giá kết quả thực hiện CTĐT và Kết luận về Tiêu chuẩn. Trong các nhận định, kết luận và đánh giá sẽ có các minh chứng kèm theo để người đọc có thể hình dung và chứng minh tính xác thực của báo cáo TĐG. 

- Phần III. Kết luận: Tóm tắt những điểm mạnh và điểm cần phát huy của đơn vị đào tạo; những tồn tại và vấn đề cần cải tiến; kế hoạch cải tiến chất lượng của CTĐT và tổng hợp kết quả TĐG. 

- Phần IV. Phụ lục: bao gồm các Quyết định thành lập Hội đồng TĐG, Danh sách thành viên Ban Thư ký; Danh sách thành viên các nhóm chuyên trách; Kế hoạch tự đánh giá; Tổng hợp kết quả tự đánh giá và Danh mục minh chứng để KĐCL CTĐT ngành KHMT.

  • Mục đích tự đánh giá chương trình đào tạo

Việc tự đánh giá CTĐT ngành KHMT sẽ giúp Nhà trường và Khoa rà soát, xem xét và đánh giá thực trạng của CTĐT, xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng CTĐT ngành KHMT. Đồng thời, kết quả kiểm định chất lượng CTĐT cũng là cơ sở để ngành KHMT khẳng định sự cam kết cải tiến chất lượng với xã hội, nhất là sau kỳ thực hiện kiểm định chất lượng CTĐT theo AUN-QA năm 2019.

  • Quy trình tự đánh giá chương trình đào tạo

Quy trình TĐG CTĐT được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1: Xác định mục đích, phạm vi TĐG;

Bước 2: Thành lập Hội đồng TĐG, Ban Thư ký, các nhóm chuyên trách;

Bước 3: Lập kế hoạch TĐG, phân công trách nhiệm cụ thể từng nhóm;

Bước 4: Thu thập thông tin và minh chứng;

Bước 5: Xử lý, phân tích các thông tin và minh chứng thu được;

Bước 6: Viết báo cáo TĐG;

Bước 7: Hoàn thiện báo cáo TĐG tổng thể;

Bước 8: Công bố báo cáo TĐG trong toàn Khoa và Nhà trường để đọc và đóng góp ý kiến;

Bước 9: Triển khai các hoạt động cải tiến sau khi hoàn thiện tự đánh giá.

  • Phương pháp đánh giá

Báo cáo TĐG CTĐT ngành KHMT được thực hiện theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 của Bộ GD&ĐT (bao gồm 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí) theo phương pháp tiếp cận hệ thống PDCA (Kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Cải tiến). Mỗi tiêu chuẩn/tiêu chí được đưa ra phân tích bằng phương pháp đặt câu hỏi 5W-1H (Tại sao? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Ai và Như thế nào?) để xác định loại thông tin/minh chứng cần được thu thập, mốc thời gian và nơi thu thập thông tin/minh chứng. Thông tin và minh chứng được tổng hợp và thu thập từ các hồ sơ lưu trữ của BM, Khoa, Trường và các cơ quan có liên quan. Ngoài ra các kết quả khảo sát, điều tra, phỏng vấn và quan sát cũng được sử dụng làm nguồn minh chứng cho các đánh giá liên quan đến hoạt động dạy học và đánh giá của các BLQ. Các thông tin này được thu thập bằng bảng hỏi qua Google Form, email và phỏng vấn trực tiếp. Dựa vào các thông tin/minh chứng thu thập được, báo cáo đã phân tích, mô tả, so sánh và đối chiếu với các nguồn minh chứng gợi ý theo Công văn số 1669/QLCL-KĐCLGD ngày 31/12/2019 của Cục QLCL. Từ đó, xác định các điểm mạnh và những điểm tồn tại, đồng thời, đưa ra kế hoạch hành động cải tiến chất lượng nhằm phát huy được điểm mạnh và khắc phục được những điểm tồn tại. Cuối cùng là TĐG mức độ đáp ứng của từng tiêu chí, tiêu chuẩn.

Dự thảo Báo cáo TĐG được phổ biến rộng rãi, được Hội đồng TĐG, cán bộ, GV và SV góp ý kiến trước khi Trường hoàn thành và công bố Báo cáo TĐG hoàn chỉnh.

  • Công cụ đánh giá

Công cụ TĐG được sử dụng chủ yếu là các quy định mang tính pháp lý bao gồm: Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng CTĐT của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp theo Thông tư 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29/11/2013 của Bộ GD&ĐT; Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ GDĐH theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 của BGDĐT; Hướng dẫn chung về sử dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH tại Công văn 1074/KTKĐCLGD-KĐĐH ngày 28/06/2016 và Hướng dẫn TĐG CTĐT tại Công văn 1075/KTKĐCLGD-KĐĐH ngày 28/06/2016 Hướng dẫn ĐG ngoài CTĐT tại Công văn 1076/KTKĐCLGD-KĐĐH 28/06/2016 của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; Tài liệu đánh giá chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH tại Công văn 1669/QLCL12 KĐCLGD ngày 31/12/2019 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (thay thế Công văn số 769/QLCL-KĐCLGD ngày 20/4/2018); Công văn 2085/QLCL ngày 31/12/2020 của Cục Quản lí chất lượng về việc hướng dẫn TĐG và đánh giá ngoài CTĐT.